Đăng ký Go88
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cùng ông Trần Đình Ba - Phó giám đốc - Phó tổng biên tập phụ trách Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM nhận giải A Giải thưởng Sách Quốc gia. Ảnh: Việt Linh.
Tối ngày 29/11 là một buổi tối đặc biệt đối với giới làm sách cả nước. Từ khắp các tỉnh thành trên dải đất hình chữ S, các tác giả, dịch giả, biên tập viên quy tụ về Hà Nội để tham dự giải Sách Quốc gia 2024 - giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực xuất bản.
Tại sự kiện, bên cạnh vinh danh 58 tác phẩm xuất sắc, ban tổ chức giải Sách Quốc gia còn có thêm các hoạt động như lễ tri ân người làm sách, trưng bày các tủ sách chuyên đề, khen thưởng các đơn vị có thành tích trong xuất bản và đơn vị truyền thông đã nỗ lực chung tay lan tỏa văn hóa đọc.
Cuộc hội ngộ của giới làm sách cả nướcVào 18h, lễ tri ân các tác giả, người làm sách đã diễn ra trong khuôn viên Nhà hát lớn với sự tham gia của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản và đại diện các nhà xuất bản, đơn vị liên kết.
Thành công của giải Sách Quốc gia năm nay là tiền đề để những năm sau có thể phát triển hơn. Từ đó, chúng ta có thể đưa tri thức trở thành động lực cho đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương
Mở đầu buổi tri ân, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương phát biểu: “Hơn 80 nhà khoa học miệt mài làm việc suốt 4 tháng ròng rã để chọn ra danh sách tác phẩm xuất sắc. Thành công của giải Sách Quốc gia năm nay là tiền đề để những năm sau có thể phát triển hơn. Từ đó, chúng ta có thể đưa tri thức trở thành động lực cho đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Nhấn mạnh sự lan tỏa và thành công của giải Sách Quốc gia, ông Phạm Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết: "Giải thưởng Sách Quốc gia là phần thưởng xứng đáng cho hành trình sáng tạo của các tác giả, dịch giả, sự nỗ lực của các nhà xuất bản, đơn vị liên kết. Sau mỗi năm, ban tổ chức lại có thêm những sáng kiến giúp giải Sách Quốc gia xứng tầm với vị thế văn hóa lớn".
Ông Bùi Hoàng Phương - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - gửi lời tri ân đến người làm sách và khách mời tham dự. Ảnh: Việt Linh.
Lễ tri ân diễn ra trong không khí trang trọng với sự tham gia của các đơn vị làm sách, tác giả từ khắp miền Tổ quốc. Trong đó, nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư đã bắt chuyến tàu từ TP.HCM ra Hà Nội để kịp tham dự. Đối với gia đình cụ Nguyễn Đình Tư, đây là một dịp đặc biệt nhiều cảm xúc, mọi người đã rất nóng lòng chờ đợi được đến Thủ đô để có mặt tại lễ trao giải.
“Được Hội đồng giải Sách Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao, tôi thấy rất hạnh phúc. Người viết sách bao giờ cũng cần có sự công nhận từ xã hội để biết tác phẩm của mình có giá trị, đúng đắn và ý nghĩa”, tác giả bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) chia sẻ.
Sự xúc động của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng là tâm trạng của nhiều người tới dự lễ tri ân. Bà Đào Quế Anh (hiện phụ trách văn phòng Saigon Book tại Hà Nội) làm việc trong ngành xuất bản 30 năm, từng nhiều lần đến nhận giải thưởng Sách Quốc gia, nhưng lần này, bà thay mặt người cha đã mất - GS.TS Đào Đình Bắc - đến nhận giải thưởng cho tác phẩm dịch Sự trả thù của địa lý. Khi còn làm ở Alpha Books, bà Đào Quế Anh cũng chính là người biên tập cuốn sách này. Ba năm trước, GS.TS Đào Đình Bắc qua đời, nhưng tác phẩm của ông vẫn tiếp tục được vinh danh và trao truyền qua nhiều thế hệ. “Những người làm ra cuốn sách, dù họ đã mất thì tri thức của họ vẫn còn mãi”, bà Quế Anh tâm sự.
Sau buổi tri ân, các đại biểu tham quan gian trưng bày sách. Bên cạnh các tác phẩm được trao giải từ sáu năm trước, tủ sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật thực hiện. Bên cạnh đó là tủ sách Chuyển đổi số của Nhà xuất bản Thông tin.
Mục tiêu lớn nhất của Giải Sách Quốc gia là thể hiện tình yêu sáchLễ trao giải Sách Quốc gia lần thứ VII diễn ra lúc 20h với sự tham gia của lãnh đạo các ban, bộ, ngành cùng đồng đảo tác giả, dịch giả, đại diện nhà xuất bản và các đơn vị liên kết.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương phát biểu khai mạc buổi lễ trao giải Sách Quốc gia lần thứ VII. Ảnh: Việt Linh.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương - nhận định Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ VII tiếp tục được thực hiện với nhiều đổi mới, sáng tạo, nhằm mục tiêu cao nhất là thể hiện tình yêu sách, sự trân trọng, tôn vinh và tri ân tác giả, dịch giả và những tác phẩm tiêu biểu.
Chúng ta chỉ có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với một nền tảng tri thức phong phú và vững chắc, dựa trên trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc của con người Việt Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
"Chúng ta chỉ có thể vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với một nền tảng tri thức phong phú và vững chắc, dựa trên trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc của con người Việt Nam. Lĩnh vực xuất bản phải góp phần đáng kể trong việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Mở đầu phần trao giải, ban tổ chức đã vinh danh tới những đơn vị có sự sáng tạo, tiếp cận xu hướng làm sách mới. Tiêu biểu là Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông và Học viện giáo dục Pace với cuốn sách tinh gọn Chiến lược và Lộ trình chuyển đổi số - tác phẩm tóm tắt những nội dung từ 2 công trình dày trên 600 trang của tác giả hàng đầu về chuyển đổi số: David Roger. Đặc biệt, Ban Sách giáo khoa và tham khảo của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã nỗ lực trong nhiều năm để thực hiện bộ sách giá trị của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Điểm nhấn của năm nay là hạng mục “Sách được bạn đọc yêu thích”. Các giải thưởng lần lượt được trao cho những tác phẩm để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lòng bạn đọc: Bốn tác phẩm nhận được sự đánh giá cao từ độc giả và ban tổ chức là Người thầy, Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Mùa hè không tên và Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu.
Là đơn vị có hai cuốn sách sách được giải hạng mục trên, ông Vũ Hoàng Giang - Phó giám đốc công ty sách Nhã Nam - nhận định tác phẩm đoạt giải hạng mục "Sách được bạn đọc yêu thích” cho thấy sự nỗ lực của các đơn vị sách tiếp cận nhu cầu từ độc giả. Cùng với yếu tố chất lượng, sự lan tỏa cũng là điều cần được các công ty sách, nhà xuất bản chú ý.
Để vinh danh nỗ lực thúc đẩy văn hóa đọc thời gian qua từ các đơn vị truyền thông, các nhà báo đã đồng hành với ngành xuất bản, giới thiệu, quảng bá nhiều sách hay, giá trị đến bạn đọc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao tặng bằng khen tới phóng viên báo Nhân Dân, báo Vietnamplus, báo Vietnamnet, Đài truyền hình Việt Nam, báo VnExpress, Tạp chí điện tử Tri thức - Znews.
Chia sẻ về ý nghĩa của giải sách, ông Giản Tư Trung - tác giả cuốn Sư phạm khai phóng - cho rằng khuyến đọc là điều giá trị nhất giải Sách thưởng Quốc gia đem lại. Đồng thời, cùng các giải thưởng khác về xuất bản, giải Sách Quốc gia thúc đẩy văn hóa đọc trong công chúng, vinh danh những người có đóng góp cho ngành. “Một quốc gia nhiều cuộc thi hoa hậu, chưa chắc được mọi người ủng hộ, nhưng một quốc gia nhiều giải sách chắc chắn sẽ tạo nên một sự đồng thuận lớn trong công chúng”, ông Giản Tư Trung nói.
Những tác phẩm xuất sắc trong năm vừa quaGiải thưởng Sách Quốc gia đã tôn vinh 58 bộ sách, cuốn sách đạt 59 Giải thưởng, gồm 3 Giải A; 10 Giải B; 21 Giải C; 21 Giải Khuyến khích.
21 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cho thấy sự phong phú và chiều sâu của các lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác. Một số đầu sách, bộ sách nổi bật được vinh danh gồm Khởi nghiệp tinh gọn của Eric Ries - tác phẩm mang đến chiến lược mới cho giới khởi nghiệp. Sự trả thù của địa lý của Robert D. Kaplan phân tích vai trò của địa lý trong lịch sử và chính trị. Kinh tế học thời khó nhọc của hai tác giả Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo đem tới những góc nhìn sáng tạo về kinh tế toàn cầu.
Với giải C, 21 tác phẩm xuất sắc đã được vinh danh đại diện cho sự đa dạng và chuyên sâu trong các lĩnh vực khoa học, lịch sử, nghệ thuật và xã hội. Điểm nhấn đáng chú ý là Lịch sử triết học phương Tây của Bertrand Russell, được dịch bởi Hồ Hồng Đăng và phát hành bởi Nhà xuất bản Thế giới, chỉ ra các câu hỏi lớn trong triết học phương Tây qua ba tập sách.
Tác phẩm Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn của Trần Kinh Hòa do Nguyễn Mạnh Sơn biên soạn, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã gợi mở những góc nhìn mới về lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, Tìm dấu Vinh xưa của Phạm Xuân Cần, do Nhà xuất bản Nghệ An phát hành, đã tái hiện diện mạo đô thị và con người Vinh thời thuộc địa.
Ở giải B, 10 tác phẩm nổi bật khác được xướng tên đều là những công trình đồ sộ và có giá trị nghiên cứu cao. Tác phẩm Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo của Hoàng Lại Giang, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, đã khắc họa cuộc đời và tư duy sáng tạo của một nhà lãnh đạo tài ba. Bộ sách Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã của Edward Gibbon, được dịch bởi Thanh Khê và phát hành bởi Nhà xuất bản Thế giới, cung cấp cái nhìn toàn diện về lịch sử La Mã qua lăng kính phân tích sắc sảo.
Đặc biệt, tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu toàn tập do nhóm tác giả Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang, và Nguyễn Thị Dương chỉnh lý, được Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản, đã góp phần tôn vinh một nhà thơ yêu nước tiêu biểu.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường (phải) nhận giải B với công trình nghiên cứu Bộ xương người nói với chúng ta điều gì?. Ảnh:Việt Linh, Thế Bằng.
Giải A được trao cho ba tác phẩm danh giá đã được vinh danh, phản ánh những đóng góp to lớn trong lĩnh vực lịch sử, y khoa và văn học. Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được đánh giá là công trình lịch sử đồ sộ, giàu thông tin, tư liệu về TP.HCM.
Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa (PGS.TS.BS. Đào Xuân Cơ - chủ biên) đã trở thành tài liệu thiết yếu cho đội ngũ y bác sĩ. Trong khi đó, Tổng tập Nhà văn Quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm (5 tập), do Tạp chí Văn nghệ Quân đội thực hiện, là di sản văn học quý báu tôn vinh những đóng góp của các nhà văn mặc áo lính trong lịch sử văn học Việt Nam.
Trước hình ảnh nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư bước lên sân khấu nhận bằng khen, ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT - chia sẻ với niềm ngưỡng mộ: “Giải Sách Quốc gia không chỉ là sự tôn vinh những tác phẩm xuất sắc mà còn khích lệ tinh thần sáng tạo, nghiên cứu trong xã hội. Đặc biệt, việc cụ Nguyễn Đình Tư, ở tuổi 104, vẫn mạnh mẽ bước lên sân khấu để nhận giải đã truyền cảm hứng lớn lao về lòng đam mê và sự cống hiến không ngừng nghỉ cho tri thức".
Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII khép lại trong niềm tự hào và hân hoan của những người tham dự. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu của ngành xuất bản, Lễ trao giải còn là lời khẳng định mạnh mẽ về sức sống của sách và tri thức.
Danh sách các tác phẩm đạt giải
Giải A:
Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, Cẩm nang chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa (PGS.TS.BS. Đào Xuân Cơ - chủ biên), Tổng tập Nhà văn Quân đội - Kỷ yếu - Tác phẩm (5 tập) được thực hiện bởi đội ngũ Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Giải B:
Võ Văn Kiệt - Trí tuệ và sáng tạo (Hoàng Lại Giang), Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã (Edward Gibbon), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (Cao Tự Thanh, Đoàn Lê Giang, và Nguyễn Thị Dương), Nghệ thuật tư duy chiến lược (Avinash K. Dixit & Barry J. Nalebuff), Sobotta Atlas giải phẫu người (Đầu, Cổ, Chi trên, Ngực, Bụng, Chậu, Chi dưới) của tác giả Sobotta, Bộ xương người nói với chúng ta điều gì? (PGS.TS. Nguyễn Lân Cường), Bác Hana (Alena Mornštajnová), Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc (Nguyễn Trương Quý), Tủ sách Tuổi thần tiên (Mộc An), Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ (Lời: Phạm Thị Kiều Ly. Minh họa: Tạ Huy Long).
Giải C:
Lịch sử triết học phương Tây (Bertrand Russell), Sử Việt nhìn từ tài liệu nguồn (Trần Kinh Hòa), Tìm dấu Vinh xưa (Phạm Xuân Cần), Pháp luật quốc tế về sáng chế, giấy phép bắt buộc và quyền tiếp cận thuốc ở một số quốc gia trên thế giới (TS. Lê Vũ Vân Anh), Mô hình xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (TS. Đào Xuân Khương), Chính bắc lãnh đạo đích thực (Bill George), Sư phạm khai phóng - Thế giới, Việt Nam và Tôi (Giản Tư Trung), Các đế chế ngôn từ - Lịch sử thế giới từ góc nhìn ngôn ngữ (Nicholas Ostler), Nghệ thuật An Nam (Louis Bezacier), Trạm y tế xã của GS.TS. Đào Văn Dũng (Chủ biên), Đa dạng khu hệ chim Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Nguyễn Trần Vỹ - chủ biên), Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao (Trịnh Xuân Thuận), Vật liệu nano silica: Tổng hợp và ứng dụng trong y sinh (Nguyễn Đại Hải), Dược thư quốc gia Việt Nam (2 tập) của tập thể tác giả Hội đồng Dược thư Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Dược điển - Dược thư Việt Nam (Bộ Y tế), Ovate Pontic (Lại Thanh Minh - chủ biên), Tại sao ta yêu? (Hiền Trang), Người thầy (Nguyễn Chí Vịnh), Khoái khẩu và khát vọng - Hay là câu chuyện đồ ăn thức uống trong trường thiên thế kỷ 19 ở Việt Nam (Erica J. Peters), Chuyện kể trước giờ đi ngủ (Gia Bảo), Xứ sở miên man (Jun Phạm), Gia tài cho con (Lê Thị Phương Lan - Mẹ Mít).
Giải khuyến khích:
Khởi nghiệp tinh gọn (Eric Ries), Sự trả thù của địa lý (Robert D.Kaplan), Kinh tế học thời khó nhọc. (Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo), Thành phố sâu hơn - Trí tuệ tập thể và con đường đi từ thông minh đến thông thái (Joe Ravetz), Câu chuyện triết học - Cuộc đời và tư tưởng của các triết gia vĩ đại phương Tây (Will Durant), Sứ đoàn Iwakura (Ian Nish), Báo Tổ quốc và Diễn đàn trí thức (1954-1988) của tác giả Bùi Xuân Vinh, Sự tiến hóa của tri thức - Tư duy lại khoa học trong thế nhân sinh (Jürgen Renn), Kỹ thuật vẽ sơn dầu (Nguyễn Đình Đăng), Sinh năm 1972 - Khát vọng sống của kẻ đi ngược chiều (Nguyễn Cảnh Bình), Tuồng hát cải lương khảo và luận - 10 năm bổn tuồng đề yếu (1922-1931) của tác giả Nguyễn Phúc An, Nữ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam hiện đại (Đặng Thị Bích Ngân), Factopia! 400 điều sửng sốt nơi Xứ Sự Thật do Kate Hale (viết lời), Andy Smith (minh họa), Đại bàng tái sinh (Phạm Thị Thanh Hà), Em yêu Việt Nam mình - Bay giữa mùa hoa của tác giả Chiều Xuân và họa sĩ ThanhPha, Vương quốc ngộ nghĩnh (Nguyễn Thị Kim Hòa)
Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII (2024) được tổ chức vào 20h ngày 29/11/2024 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), truyền hình trực tiếp trên VTV1. Đơn vị tài trợ: Vingroup, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Tổng công ty Giấy Việt Nam.